Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Thăm bản Cát Cát thu hút đông đảo khách du lịch ở Sapa

Bản Cát Cát là một bản làng với vị trí tuyệt đẹp và là bản thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Du lịch Sapa tới bản Cát Cát bạn được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn được người dân làm rất công phu cùng nét đẹp trong đời sống hàng ngày của người bản Cât Cát

Đoạn đường khoảng hai, ba cây số từ thị trấn Sa Pa lên phía bắc rất đẹp với những khúc cua tay áo gắt lúc nào cũng chìm trong làn mây sương mù trắng đặc. Một bên đường là vách núi cao chớn chở, bên kia là thung lũng dưới vực sâu lớp lớp những thửa ruộng bậc thang. Khung cảnh núi rừng hoang sơ ngoạn mục nầy dẫn đưa chúng tôi vào bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, thị trấn Sa Pa, Lào Cai). Đây là một bản (làng) của người H’mông, được hình thành từ giữa XIX.


Bản Cát Cát.

Mua vé vào cổng 40.000 đồng, du khách bắt đầu xuống những bậc thang đá men theo thung lũng. Lần lượt bạn sẽ gặp những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nương, những bụi giang, trúc, vầu, cao vút xanh tốt lạ thường. Dọc đường, du khách còn gặp nhiều phụ nữ H’Mông gùi trên vai xuôi ngược đi về bản, mỗi cô đều có một cây dù, bởi ở Sa Pa mưa nắng thất thường. Các cô gái H’mông đều có điện thoại di động, nhắn tin bằng tiếng Việt rất thạo, vài cô nói tiếng Anh khá sõi. Bởi Sa-pa là điểm du lịch nổi tiếng từ lâu, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến.


Cổng vào bản nghề H'Mong ở Sa Pa.

     >>>>Xem thêm: Lễ hội tết nhảy đặc sắc ở Sapa


Người H’Mông thường cất nhà dựa vào sườn núi. Đó là những căn nhà ba gian có vì kèo ba cột ngang. Các cột kê trên tảng đá tròn hoặc vuông. Mái bằng gỗ pơ-mu. Vách gỗ xẻ. Nhà có ba cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, hai cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn đón kín, chỉ mở khi nhà có việc lớn như quan hôn tang tế, cúng ma vào dịp tết. Trong nhà ngoài bàn thờ còn có nơi tiếp khách, nơi ngủ, bếp và sàn gác dự trữ lương thực.

Các ngôi nhà nằm cách nhau bởi những thửa ruộng bậc thang. Đằng sau những ngôi nhà ấy là những bụi tre um tùm hòa màu xanh lá với những cánh đồng hình vòng cung cao thấp lượn lờ. Thích nhất là bắt gặp những chiếc cối giã gạo không dùng sức người. Nước suối khi chảy đầy máng một đầu chài thì đầu chài kia bật cao lên. Khi nước trong máng đổ ra ngoài, đầu chài kia hạ xuống, giã vào cối gạo, cứ vậy cho ra những hột gạo trắng tinh.


Cối giã gạo bằng sức nước ở bản Cát Cát.

Trước nhà là những phụ nữ H’Mông trong trang phục truyền thống của mình, gồm: váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, thân váy xòe rộng. Áo cổ lật ra sau gáy. Thắt lưng buông hai dải dài phía sau. Trước và sau váy đều có vuông vải che vừa tạo sự kín đáo vừa tạo nét duyên. Áo khoác ngoài không có tay, cổ lật sau gáy. Khăn quấn đầu và xà cạp quấn chân. Đi dép hoặc mang ủng. Quần áo của đồng bào H’Mông chủ yếu may bằng tay, vải tự dệt, đậm đà bản sắc văn hóa của họ trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với bốn màu chủ đạo: xanh, đỏ, trắng và vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn màu, tạo khoái cảm thị giác.


Ở bản Cát Cát có làng nghề thủ công truyền thống cho du khách tham quan trực tiếp. Người H’mông nhuộm sợi và in thêu hoa văn trên nền thổ cẩm bằng phương pháp nhúng chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng.

Ở khu tranh thêu tay, khu giới thiệu nghề se lanh dệt vải của gia đình Vang Thị Tùng, ta bắt gặp những phụ nữ H’Mông cần mẫn với nghề thủ công cổ truyền của mình. Dưới bàn tay dính đầy chàm, họ đã biến những sợi lanh có nhiều màu sắc khác nhau thành tấm vải rồi nhuộm trong một thùng nước thuốc. Nhuộm xong, họ để tấm vải trên tảng đá phẳng bôi sáp ong, dưới khúc gỗ tròn. Họ đứng tấm ván đặt ngang trên khúc gỗ tròn và lăn, nhún miếng ván chạy qua lại như làm xiếc cho đến khi tấm vải bóng đẹp.

Bàn tay thêu thùa tài hoa bẩm sinh của họ biến những tấm thổ cẩm đẹp mắt với màu sắc, hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú..., thành những túi, nón, quần, áo, váy, ví, khăn quàng... Hoa văn trên thổ cẩm đều mạnh mẽ, thể hiện sự phóng khoáng của núi rừng sẽ theo bạn về nhà làm quà cho người thân. Bên cạnh nghề dệt, đồng bào H’Mông Cát Cát còn có nghề chạm bạc truyền thống độc đáo với sản phẩm phong phú là vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn... rất được du khách nữ ưa chuộng.

Đi dạo dọc theo bản một đỗi, qua cầu Si treo cáp bắc qua suối Cát Cát thơ mộng, du khách sẽ đến nơi biểu diễn văn nghệ. Nơi đây bạn sẽ có dịp thưởng thức những vũ điệu dân gian H’mông, Dao đặc sắc trong tiếng khèn lá du dương, tiếng sáo Mông dìu dặt, tiếng đàn môi sâu lắng hoà cùng tiếng thác đổ, suối reo giữa mây ngàn, gió núi mênh mang, phóng khoáng… Những chàng trai trẻ, những cô gái duyên dáng, xinh đẹp múa hát rất hay, vui vẻ nhiệt tình, phục vụ du khách. 
Bản Cát Cát đã để lại trong tâm trí của khách du lịch khi tới đây những ấn tượng đẹp. Tham gia tour du lịch Sapa 2 ngày 3 đêm để được khám phá nhiều điều thú vị ở Sapa cùng chúng tôi Chúc bạn có một chuyến du lịch nhiều niềm vui.
Nguồn: Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét